Nếu chỉ xem video trên và không đọc hết bài viết này, liệu ai trong các bạn sẽ có suy nghĩ khác : " Ai đuổi theo ai ? ".
Một ảo giác được thiết kế bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Yale sẽ chứng minh cho bạn thấy não bộ con người rất dễ bị đánh lừa. Mà cũng chưa hẳn, sự nhầm lẫn mà ảo giác này tạo ra có thể là điều Mẹ Tự Nhiên ấn định cho giống loài chúng ta.
Tham gia vào cuộc thi Ảo giác ấn tượng nhất năm được hiệp hội Neural Correlate tổ chức thường niên, các nhà nghiên cứu tại Yale năm nay đã thiết kế một video ảo giác mà họ đặt tên là "Who’s Chasing Whom?" (Ai đuổi ai?)
Như bạn đã xem, video này có 2 chấm màu trên một nền bản đồ Tokyo. Thoạt đầu, bạn thấy dường như chấm đỏ đang đuổi theo chấm xanh. Sau khoảng 30 giây, mọi thứ thay đổi và hình như chấm xanh đang đuổi ngược lại chấm đỏ.
Nhưng sự thật là thế nào?
Hóa ra, các dấu chấm màu không hề đuổi nhau. Sự dịch chuyển của nền bản đồ đã gây ra ảo giác. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng não bộ đã mặc định khiến chúng ta nhìn thấy các dấu chấm đuổi nhau, khi chúng được đặt lên một tấm nền dịch chuyển.
Vào thời điểm mà cuộc rượt đuổi đổi chiều, chuyển động của hai dấu chấm chẳng có gì thay đổi cả, chỉ có chiều dịch chuyển của nền bản đồ bị đảo ngược mà thôi.
Hẳn là bạn sẽ bối rối lắm, hãy xem lại đoạn video đã tắt nền bản đồ mà xem. Nếu không có khung cảnh Tokyo ở phía dưới, hai dấu chấm sẽ lộ diện ngay. Chấm đỏ đứng yên còn chấm xanh lơ lửng xung quanh nó.
Còn điều gì thú vị đằng sau ảo giác này không?
Các nhà khoa học nói rằng con người chúng ta có bản năng tự nhân hóa một cách vô thức các vật thể vô tri, gán chúng những hành động như của con người (ở đây là hành động đuổi nhau) từ khi chúng ta bắt đầu nhìn nhận được thế giới.
Hơn nữa, đó có thể là điều Mẹ Tự Nhiên muốn chúng ta làm để hiểu biết và có cái nhìn gần gũi hơn với mọi vật thể bên ngoài.
Mẹ Tự Nhiên sẽ muốn chúng ta thấy hai dấu chấm đuổi nhau, hơn là một dấu đứng im và một dấu xoay xung quanh nó. Bởi trong đời sống hàng ngày, mọi người chỉ nhìn thấy hai người đuổi nhau chứ ít khi thấy một người đứng yên và một người cứ đi vòng vòng xung quanh.
"Các thực thể tồn tại giữa thế giới xung quanh, và do đó, chuyển động của chúng được đối chiếu với thế giới (chứ không phải võng mạc của chúng ta)", các tác giả giải thích trong nghiên cứu của họ.
Nói cách khác, con người sẽ nhìn nhận các vật vô tri vô giác dựa trên phần còn lại của môi trường - trong trường hợp này là bản đồ.
Không chỉ là một video thú vị, các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu sâu vào ảo giác này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về cơ chế nhận thức của con người, thậm chí cả các căn bệnh liên quan đến hệ thần kinh.
"Các mục tiêu chính của nghiên cứu này là xác định các tín hiệu kích hoạt nhận thức về sự rượt đuổi, để định lượng ảnh hưởng của chúng và đánh giá khách quan tính chính xác của hình thức nhận thức này", các tác giả viết trên Tạp chí Journal of Vision.
Theo: Genk.vn
0 comments:
Post a Comment